27/03/2023
Toàn cảnh thị trường: Cầu yếu, giá giảm
Sau chuỗi tăng kéo dài từ đầu năm, thị trường phế nhập khẩu của Việt Nam tuần này quay đầu giảm. Chào giá H2 ở mức 438 USD/tấn CFR, chào giá phế của Mỹ quanh mốc 450 USD/tấn CFR. Thị trường tuần này không ghi nhận giao dịch bởi người mua Việt Nam ít nhập khẩu.
Xu hướng giảm ở tuần này rõ hơn, tập trung vào cuối tuần và thị trường phía Bắc. Nhiều nhà máy giảm còn giảm kép như Hòa Phát, Tisco, Shengli,.. tổng mức giảm lên tới 400-700đ/kg. Ngoài ra, còn nhiều nhà máy, bãi phế giảm 300-400đ/kg. Giá phế của thương nhân giảm khoảng 2.6%.
Giá chào phôi BF của Việt Nam ở tuần này giảm về mức 615-620 USD/tấn CFR Philippines. Trong khi đó, chào phôi IF lại tăng nhẹ 635 USD/tấn CFR Philippines bởi tuần trước có giao dịch. Mặc dù mức giá khá cạnh tranh, nhưng vẫn không có giao dịch được thực hiện bởi tâm lý mua hàng trên thị trường Đông Nam Á suy yếu hơn.
Cầu phôi giảm, giá phế giảm, cộng với lo ngại nhiều nguồn cung giá rẻ sẽ tràn về Việt Nam sau khi Việt Nam bỏ thuế tự vệ với phôi thép xuất khẩu, người bán theo đó có xu hướng giảm giá. Giá phôi ở tuần này giảm 2.81%, thậm chí người mua còn đề nghị những mức giá thấp hơn nữa.
Giá kỳ hạn giảm nên chào giá HRC của Trung Quốc tới Việt nam cũng giảm từ 20-30 USD/tấn. Ngoài ra, Việt Nam cũng không nhận được chào giá từ các thị trường khác như Nhật Bản, Ấn Độ.
Giá HRC nội địa ở tuần này chỉ giảm nhẹ khoảng 0.2% nhờ các nỗ lực giữ giá niêm yết và điều chỉnh linh hoạt từ thương nhân. Dù vậy, áp lực giảm giá vẫn khá lớn.
Tính đến tuần này, đã gần 1 tháng người bán Việt Nam không đưa ra giá chào thép cây xuất khẩu mới, bởi thị trường Đông Nam Á yếu và Trung Quốc giảm. Lượng xuất khẩu thép xây dựng của Việt Nam ở tháng 2 đã giảm so với tháng 1, và có thể còn giảm tiếp ở tháng 3.
Đầu tuần này, nhiều nhà máy trong đó có Hòa Phát tăng giá 150đ/kg với thép cây. Dù vậy, số lượng nhà máy tăng không quá nhiều, hầu như đều ở miền Bắc và miền Trung. Đồng thời lần tăng này cũng không nhiều tác động, giá của thương nhân vẫn đi ngang.
Nam Kim tăng và nhiều thương nhân dừng chính sách khuyến mại, giá thép ống, hộp chỉ tăng nhẹ 0.3% ở đầu tuần rồi đi ngang. Trong khi đó, tiêu thụ không có nhiều cải thiện vẫn đang đè nặng lên giá.
Sau khi Nam Kim cùng Đông Á tăng 300đ/kg, giá tôn của thương nhân cũng tăng nhẹ 0.1% so với tuần trước. Tuy nhiên, do sức mua yếu nên giá có thể sẽ chịu áp lực giảm trong giai đoạn tới.
Tiêu thụ cải thiện chậm vẫn đang là vấn đề mấu chốt của thị trường. Giá nguyên liệu như phế liệu, phôi theo đó đã giảm rõ hơn ở tuần này. Mặc dù giá thép thành phẩm vẫn đang ổn định hoặc nhích nhẹ, nhưng áp lực giảm giá đang ngày một giá tăng. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc tuần này giảm mạnh, và biến động khó lường ở tuần tới. Do đó, sức ép giảm giá của thị trường thép Việt Nam ở thời gian tới sẽ còn tăng hơn nữa.